Danh mục
Bảo Hiểm Nhân Thọ Có Phá Sản Không ?
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ngày càng phát triển và trở thành một kênh đầu tư, quản lý rủi ro cho người tiêu dùng. Nhiều khách hàng băn khoăn trong quyết định tham gia bảo hiểm khi được tư vấn các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Khách hàng cho rằng thời hạn bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện nay thường kéo dài từ 5 năm đến 10 năm thậm chí kéo dài cho đến khi người được bảo hiểm qua đời.
Người mua bảo hiểm có tâm lý ngần ngại khi thời hạn bảo hiểm kéo dài như vậy liệu công ty bảo hiểm phá sản thì quyền lợi của họ sẽ được giải quyết ra sao?
Trước hết cần phải nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động kinh doanh có điều kiện và pháp luật quy định rất rõ ràng, chặt chẽ về quản lý và điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Có thể nói rằng không phải công ty nào cũng có thể kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Thứ nhất về khả năng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm:
Để được tham gia vào thị trường kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng đủ điều kiện về số vốn pháp định tối thiểu là 600 tỷ đồng theo điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Như vậy, để tham gia kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực sự có tiềm lực về kinh tế rất lớn so với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dịch vụ khác ngoài thị trường.
Ngoài ra, sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng một phần vốn điều lệ để ký quỹ tại ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chỉ được phép rút số tiền ký quỹ khi chấm dứt hoạt động hoặc trong trường hợp được Bộ Tài chính cho phép nhưng phải bổ sung trong vòng 90 ngày sau khi rút tiền ký quỹ.
Khả năng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm
Thứ hai về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm:
Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có nguy cơ mất khả năng thanh toán bắt buộc phải thỏa thuận chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán mà không thỏa thuận được việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm thì Bộ tài chính sẽ chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao.
Thứ ba về quỹ bảo vệ người được bảo hiểm:
Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ bắt buộc phải trích nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm sẽ được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.
Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, doanh nghiệp sẽ đề nghị Bộ Tài chính để sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Minh họa quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Như vậy, khả năng doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán hoặc phá sản rất hy hữu bởi lẽ không chỉ mạnh về tiềm lực kinh tế, vốn kinh doanh, hệ thống kết nối các công ty bảo hiểm nhân thọ,… doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn nằm dưới sự quản lý rất chặt chẽ của Bộ tài chính và các cơ quan nhà nước khác nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm như một kênh phòng ngừa rủi ro, tích lũy cho tương lai và đầu tư dài hạn.
>>> Tìm hiểu thêm thông tin: Kinh nghiệm mua bảo hiểm nhân thọ